“Võ Sĩ Giác Đấu” ra mắt vào năm 2000 nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ công chúng, một phần không nhỏ đến từ hiệu ứng hình ảnh và thiết kế sản xuất của phim. Từ Đấu trường La Mã hoành tráng đến trang phục cầu kỳ, tác phẩm cho thấy tâm huyết và tầm nhìn của Ridley Scott cùng các cộng sự.
Gần 25 năm sau, hậu truyện của phim mang tên “Võ Sĩ Giác Đấu II” (tựa gốc: Gladiator II) không những tiếp nối những gì fan yêu mến từ phần phim gốc, mà còn cần tìm ra yếu tố mới để thu hút khán giả. Phim hứa hẹn đem đến hình dung thậm chí còn hoành tráng hơn về Đế chế La Mã, từ bối cảnh quy mô đến các đại cảnh chiến đấu công phu lấy cảm hứng từ lịch sử.
Kết hợp yếu tố lịch sử và tầm nhìn sáng tạo
Hậu truyện xoay quanh Lucius (Paul Mescal), cháu trai của Commodus, lớn lên trong sự truyền cảm hứng từ di sản của Maximus (nhân vật chính do Russell Crowe thủ vai trong phần phim trước). Sau khi vợ con bị giết hại dưới tay tướng Marcus Acacius (Pedro Pascal), Lucius bị kéo tới Rome làm võ sĩ giác đấu. Cơn thịnh nộ của anh được thúc đẩy bởi âm mưu chính trị từ kẻ buôn người quyền lực Macrinus (Denzel Washington), có lẽ sẽ khiến thành Rome rung chuyển một lần nữa.
Nhà thiết kế sản xuất Arthur Max cùng với đạo diễn Ridley Scott và nhà sản xuất Douglas Wick, là bộ ba sáng tạo đứng sau cả hai bộ phim Võ sĩ giác đấu. Trở lại với La Mã sau hơn hai thập niên, Max cho biết quy mô lần này còn “trên cả hoành tráng”: “Mọi thứ chúng tôi đã làm trong phần đầu tiên đều được mở rộng về kích thước và quy mô lên rất nhiều”.
Max đi đến Bảo tàng Tàu chiến La Mã ở Fiumicino, trung tâm bảo tồn ở Pompeii và các bảo tàng ở Athens, cùng nhiều địa điểm khác để có nghiên cứu tỉ mỉ cho thiết kế sản xuất. Đội ngũ cũng xem xét các mô hình tàu chiến tại Bảo tàng Anh ở London và nghiên cứu các minh họa từ sách lịch sử quân sự.
Bên cạnh đó Võ Sĩ Giác Đấu II còn là hình dung sáng tạo từ trí tưởng tượng của Ridley Scott. Không sử dụng máy tính, vị đạo diễn thường phác thảo các cảnh bằng bút và giấy, rồi đưa cho nhóm.
“Ngay cả khi tôi chưa tìm thấy địa điểm, tôi vẫn sẽ tưởng tượng rồi vẽ nó ra”, Scott nói. “Và rồi tôi sẽ tìm ra địa điểm phù hợp với những gì tôi đã vẽ”. “Đúng là đi học trường nghệ thuật không uổng phí đời người mà.”, ông nói thêm.
Biến sa mạc thành biển nước
Phân cảnh mở màn của Võ sĩ giác đấu II là cuộc bao vây Numidia khi Hải quân La Mã đang áp sát thành phố trên các thuyền chiến. Phân cảnh này chủ yếu được ghi hình tại Ouarzazate (Moroc). Vấn đề duy nhất phải giải quyết là gì? Nó nằm ở giữa vùng sa mạc.
Bản thân giám sát hiệu ứng đặc biệt Neil Corbould tới từ Industrial Light & Magic – nhà làm phim từng nhận giải thưởng Oscar với phần phim gốc – cũng cảm thấy lưỡng lự trước kế hoạch của Scott. “Ridley muốn 2 con tàu với chiều dài 45m tiến về phía tường thành khi trận chiến khốc liệt đang diễn ra.” Corbould cho biết. “Nhưng ở đó không có nước.”
Và đã đến lúc để sử dụng một thiết bị mà Corbould gọi là “quái vật”: những cỗ máy thủy lực khổng lồ có khả năng chứa một con tàu khổng lồ và di chuyển nó theo bất cứ cách nào mình muốn. “Tôi đã thấy những cỗ máy đó trên Internet và từng mong muốn được sử dụng chúng trong suốt nhiều năm qua.” Ông nói. “Và đây là một nhiệm vụ hoàn hảo dành cho chúng.”
Dưới sự điều hành của Cố vấn quân đội Paul Biddiss, phân cảnh mở màn của Võ Sĩ Giác Đấu II đã trở thành một lời giới thiệu cực kỳ ấn tượng cho bộ phim sử thi hoành tráng này. Hàng trăm diễn viên phụ đã tham gia các chương trình đào tạo để nắm được những nguyên tắc cơ bản về kỹ thuật chiến đấu của người La Mã. “Phép màu” CGI sẽ tạo nên những dòng nước hỗn loạn, biến sa mạc Maroc thành một biển nước mênh mông. “Quay phim trên nước là điều không thực tế.” Giám sát VFX Mark Bakowski tới từ Industrial Light & Magic lý giải. “Và không một bể nước nào đủ rộng để dàn dựng cảnh quay này, còn đại dương thì lại quá rủi ro.”
Thủy chiến trong đấu trường
Một cảnh đầy tham vọng liên quan đến cuộc đụng độ ở Đấu trường La Mã sau khi nơi này bị ngập trong nước. Hai con tàu — một con chở đầy lính La Mã, con còn lại chở võ sĩ giác đấu — vờn nhau và va chạm, quân hai bên chiến hết mình trong khi cá mập bơi lội dưới nước. Đây cũng là phân cảnh lấy cảm hứng từ lịch sử với tên gọi Naumachia – một dạng trình diễn chiến đấu trên mặt nước tái hiện các trận hải chiến cổ đại, do người La Mã tổ chức để giải trí công chúng.
Những con tàu này được thiết kế sao cho giống thật nhất có thể. Với độ dài từ 16 đến 20 mét, chúng có cột buồm thật, sàn ván, đinh sắt và keo trét hắc ín, Max cho biết. Về mặt tàu được làm bằng gỗ và sắt, với thép nhẹ bên dưới. Sau khi lắp ráp, chúng được chuyển bằng cần cẩu cao 36 mét (gần bằng tòa nhà 10 tầng) lên hai phương tiện điều khiển từ xa thủy lực, mỗi phương tiện có hàng chục bánh xe.
Các cảnh quay trên không của hai con tàu được ghi lại tại trường quay Colosseum ở Malta, nơi bộ phim “Võ Sĩ Giác Đấu” gốc cũng được quay. Những cảnh quay này được dàn dựng trên mặt đất, sau đó nước sẽ được thêm bằng kỹ xảo. Việc tái hiện độ sâu và màu nước là một cuộc tranh luận lớn, dẫn đến hàng loạt thử nghiệm từ kênh đào Venice ở Ý cho đến hồ bơi ở Los Angeles.
Với các cảnh cận như người bị rơi xuống nước đầy cá mập hoặc cận chiến giữa binh lính và võ sĩ, nhóm sản xuất đã sử dụng một bể bơi khổng lồ, sâu hai mét có kích thước bằng một sân bóng đá. Tại đây, một phần của Đấu trường La Mã được xây dựng bao gồm các vòi phun nước có hình dạng giống đầu của thần biển Neptune.
Ý tưởng cá mập trong Đấu trường là của Ridley Scott. Nhà làm phim lấy cảm hứng từ một sự cố xảy ra nhiều năm trước, khi ông đang quay “White Squall” (1996). Trong thời gian đạo diễn lưu trú tại một khách sạn ở Caribe, có ai đó đã ném một con cá mập dài 2 mét xuống hồ bơi. Tất nhiên với Võ Sĩ Giác Đấu II, không có con cá mập nào bị thương trong quá trình quay phim.
Lần trước là hổ, lần này là tê giác
Nếu phần phim gốc gây ấn tượng với trận chiến cùng hổ, thì phần hậu truyện chứng kiến Lucius phải đấu với đấu sĩ cưỡi tê giác. Corbould cho biết cuối cùng họ cũng đã có thể thực hiện được một cảnh quay vốn là bất khả thi và chưa thể hiện thực hoá trong quá khứ: một đấu sỹ được trang bị đầy đủ các vũ khí hạng nặng cưỡi trên lưng một con tê giác và lao vào trận chiến với một nhóm đối thủ. Scott đã mong muốn dàn dựng cảnh quay này vào năm 2000, nhưng lúc đó quá nguy hiểm nếu ghi hình với 1 con tê giác thực và cũng quá đắt để có thể làm điều này với CGI.
Dựng lên sinh vật ngoại cỡ này là nỗ lực của Corbould và nhà thiết kế các bộ phận giả Conor O’Sullivan. “Chúng tôi đã lắp ráp một con tê giác cơ khí có thể lắc đầu, hất mũi lên trời cũng như cử động mắt và tai.” Corbould miêu tả. “Cỗ máy này sau đó sẽ được hoàn thiện với các hiệu ứng hình ảnh. Và chúng tôi đã có thể lái xe đi khắp Đấu trường La Mã theo đúng nghĩa đen giống như một chiếc xe tự chế go-kart.”
Võ Sĩ Giác Đấu II đang chiếu tại rạp.
Xem thêm tại:
https://www.tiktok.com/@quandienanh
https://www.youtube.com/@quandienanh
https://quandienanh.com/category/review-film
CJ CGV Vietnam